Đức Giêsu con một Thiên Chúa | Mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ

Đức Giêsu con một Thiên Chúa | Mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ

ĐỨC GIÊ-SU NGƯỜI CON MỘT THIÊN CHÚA

Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP

  1. Đức Giêsu, con người của lịch sử

 Ít có nhân vật lịch sử nào đã ảnh hưởng trong lịch sử nhân loại cho bằng Chúa Giêsu, mặc dù cuộc đời rao giảng của người trong nhân loại thực là ngắn ngủi, và người cũng không thành lập một tôn giáo. Dầu vậy từ hơn 2000 năm nay, giáo huấn của người không ngừng được các môn đệ nhắc nhở lại, cũng như giải thích, bình luận và rao giảng. Đức Giêsu được các môn đệ tuyên xưng và rao giảng là Con Thiên Chúa, Người khai mở mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, như Giáo hội vẫn tuyên xưng là Ba ngôi Thiên Chúa. Dầu vậy, Đức Giêsu không viết lại điều gì, chúng ta được biết về cuộc đời và giáo lý của Đức Giêsu là do các tông đồ ghi lại, và những điều các ngài ghi lại không phải là những bản tiểu sử hay tường thuật chi tiết về cuộc đời của Đức Giêsu mà đúng hơn đây là những chứng từ đức tin của các tông đồ và những môn đệ đầu tiên có được về vị thầy Giêsu của mình.

Họ đã ghi chép lại cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giêsu cũng chỉ là để rao giảng hay loan báo về Đức Giêsu cho mọi người để mọi người cùng tin như các ngài đã tin vì các ngài đã được gặp gỡ với Đức Giêsu, người Con Thiên Chúa làm người, đầy tràn “ân sủng và chân lý”, đầy tràn vinh quang Thiên Chúa. Mặc dù Đức Giêsu đã sống thực sự trong lịch sử, nhưng các sử gia thời đó không viết gì về Người cả, cùng lắm chỉ có đôi hàng vắn tắt về người thôi. Nhưng qua các chứng từ của Tin mừng thì người xuất thân từ Nazarét miền Galilê, lúc bấy giờ là một tỉnh nhỏ của đế quốc roma. Khi người bắt đầu hành trình rao giảng người khoảng chừng 30 tuổi. Sau thời gian lui tới với Gioan tẩy giả, người bắt đầu đến vùng Galilê là quê hương của người để rao giảng và kêu gọi các môn đệ để họ đi theo và học hỏi với người.

 Giáo lý của người mang đậm dấu ấn của truyền thống tôn giáo do thái của người, dầu vậy không thể chối là giáo huấn này mang đậm dấu ấn thẩm quyền riêng của người. Người không giảng dạy như những bậc thầy do thái lúc bấy giờ là giải thích Thánh kinh hay lề luật, nhưng người rao giảng mạnh mẽ như các tiên tri xưa và hơn nữa loan báo Nước Thiên Chúa gần kể cũng như kêu gọi mọi người hoán cải và sám hối, tin vào Tin mừng mà người rao giảng và sống theo thánh ý Thiên Chúa nếu không thì sẽ trễ. Nhưng lời rao giảng của người thì rõ ràng với những hình ảnh, những dụ ngôn thích hợp và dễ hiểu đối với những người đơn sơ ngay thẳng thời bấy giờ. Dầu vậy, lời rao giảng và việc chữa lành của người gây khó chịu đối với giới lãnh đạo do thái lúc bấy giờ, họ tìm cách gài bẫy để bắt người, và sau cùng họ đã bắt người và kết án người chết khổ hình thập giá vào đúng lễ vượt qua.

  1.  Chúa Giêsu rao giảng và chữa lành, khai mạc thời kỳ Nước Thiên Chúa

Thế kỷ XIX có một phong trào tìm về con người Giêsu Lịch sử bằng phương pháp phê bình bản văn theo khoa học, và người ta cho rằng các môn đệ của đức Giêsu và truyền thống Giáo hội đã thần thánh hóa con người Giêsu quá, nên cần phải “giải thiêng”, giải trừ huyền nhiệm”. Trong bầu không khí ấy, người ta cho rằng chỉ có 2 câu trong Kinh Thánh là đúng với lời đức Giêsu lịch sử…

Khi đó. một số người thấy như thể đức Tin Kitô giáo bị lung lay tận gốc, vì chính Kinh Thánh bị đặt thành vấn đề… Có lẽ thí dụ cụ thể nhất là trường hợp nhà văn Pháp Ernest Renan (1823-1892). Ông vốn là một cựu chủng sinh, nhưng trong ảnh hưởng lấn át của khoa học, cũng đã tuyên bố đức Giêsu chỉ là một Rabbi dễ thương…

Tuy nhiên, chính phong trào ấy đã thúc bách những người tín hữu, anh em Tin Lành trước, rồi Công giáo, buộc phải nghiên cứu Kinh Thánh một cách khoa học, đáp ứng được những tiêu chuẩn của khoa học… Và trường kinh thánh khảo cổ Giêrusalem ra đời năm 1890; rồi trường Kinh Thánh Giáo hoàng Biblicum vào năm 1909… Đây là những bước đầu của khoa chú giải Kinh Thánh khoa học và đã mang lại những thành quả hết sức lớn lao, vì nhờ đó mà đức Tin vào đức Giêsu lại càng vững chắc hơn…

Nói chung, chúng ta biết rằng Kinh Thánh không phải là một bộ sách khoa học thuần túy và tính lịch sử trong Kinh Thánh cũng không phải là thứ lịch sử thuần túy khách quan; nhưng là kinh nghiệm đức Tin dựa trên sự kiện lịch sử, đó là một cách đọc lịch sử dưới nhãn quan đức Tin và nối kết ý nghĩa đức tin ấy với dòng truyền thống của lịch sử ơn cứu độ, nghĩa là dựa trên Lời Hứa của Thiên Chúa, đặc biệt là Sáng Thế (St 3,15), trải dài qua các biến cố lịch sử và ý nghĩa đức Tin trong các biến cố lịch sử ấy; và nhận ra đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa đã hứa để thực hiện ơn cứu độ. Đức Giêsu được tường thuật trong Tin Mừng như là một sự thành toàn của lịch sử ơn cứu độ, trong đó có một sự thống nhất kỳ diệu của nhiệm cục cứu độ.

Đức Tin Kitô giáo không bao giờ được tách rời Tân Ước khỏi Cựu Ước; cũng không được cắt lớp rời rạc bản thân của Đức Giêsu, lời giảng và hành động của Ngài khỏi dòng chảy của kinh nghiệm đức Tin qua dòng lịch sử. Nếu chỉ nghiên cứu Kinh Thánh một cách thuần túy khoa học thì sẽ không thể khám phá được điều ấy.

Đức Giêsu đã xuất hiện như một ngôn sứ trần đầy Thần Khí Thiên Chúa, nơi bản thân, trong lời giảng và hành động của Ngài, nhưng điều còn điều kỳ diệu hơn là Đức Giêsu đã hoàn thành những hình ảnh tiên trưng trong Cựu Ước; từ đó, đức Tin cũng nhận ra đức Giêsu đã tỏ bày những sự thật am hợp với kinh nghiệm người một cách sâu xa, cũng như khát vọng được thần hóa đã được ghi khắc sâu xa trong vận mệnh con người.

  1.  Rao giảng về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là chủ đề rao giảng chính yếu của Chúa Giêsu.

 Việc chờ đợi Triều đại nước Thiên Chúa đã là một sự chờ đợi lâu dài trong lịch sử dân tộc Israel, nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những chiều hướng hiểu triều đại Nước Thiên Chúa theo nghĩa chính trị như là sự giải phóng khỏi mọi đô hộ của các đế quốc xâm lược, như những người zê lốt nhiệt thành thời Chúa Giêsu; có chiều hướng lại hiểu theo nghĩa khải huyền lúc kết thúc thời gian của lịch sử nhân loại với những rung chuyển trong trời đời như mặt trời sẽ tối lại, các tinh tú trên trời sẽ rơi xuống. Chúa Giêsu không mô tả chi tiết cụ thể về Nước Thiên Chúa dầu vậy trong lời rao giảng của Người thì Nước Thiên Chúa gần kề.

 Và đứng trước việc Nước Thiên Chúa đến, mọi người phải tự quyết định mạnh mẽ vội vàng, không chần chừ. Chúa Giêsu cũng đưa ra nhiều câu chuyện dụ ngôn nhấn mạnh những đòi buộc của giờ phút Nước Thiên Chúa đến như là giờ cuối cùng không trì hoãn khi đó hai người cùng làm việc chung với nhau ngoài đồng, một người được đưa đi và người kia bị bỏ lại; hoặc như một cánh đồng lúa có lúa tốt và cỏ lùng cùng lớn lên cho đến mùa gặt, khi đó chủ mùa sẽ sai thợ gặt và thu hoạch lúa cho vào kho lẫm, còn cỏ lùng thì bị thiêu đốt đi. Từ đây cho đến mùa gặt thì thời gian còn thử thách, lúa sống chung với cỏ lùng, người tốt sống chung với người xấu, những người lành cần nhẫn nại và kiên trì. Dầu vậy, cũng có khía cạnh hiện tại của Nước Thiên Chúa trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Như khi người khẳng định với việc rao giảng và phép lạ trừ quỉ người làm thì quả thực Nước Thiên Chúa đã đến giữa mọi người. Người ta không thể xóa đi khía cạnh hiện tại này của triều đại Nước Thiên Chúa với lời rao giảng và việc làm của Chúa Giêsu, hay là sự căng thẳng của hai chiều kích hiện tại và tương lai của triều đại Nước Thiên Chúa. Một mặt thì Người nhấn mạnh rằng triều đại Nước Thiên Chúa đã đến nơi chính bản thân người, mặt khác, người cũng nói Nước Thiên Chúa còn phải đến sau này. Người đã nhấn mạnh tính chất duy nhất của thời gian cứu độ đã bắt đầu, và thúc đẩy mọi người hãy can đảm chọn lựa và quyết định, dám bán đi những gì mình có để mua cho mình gia nghiệp Nước Trời là kho tàng quí giá chôn dấu trong ruộng mà người làm ruộng đã tình cờ gặp được.

 Nước Thiên Chúa giống như kho báu chôn dấu trong ruộng người kia tình cờ gặp được. Ông vội vàng chôn dấu nó và vui mừng bán tất cả gia sản của mình để mua cho được thửa ruộng đó. Nước Thiên Chúa được rao giảng, kêu mời mọi người hoán cải, đón nhận, chờ đợi mọi người, đó là vì Thiên Chúa nhẫn nại khoan hồng. Người ta nhận thấy Chúa Giêsu đã lui tới làm bạn với những người tội lỗi, đó là điều mà những người biệt phái khó chịu và phê phán Chúa Giêsu. Dầu vậy, đây là điều mà Chúa Giêsu đã chứng tỏ thái độ và chọn lựa của người, như người nói “Con người đến không phải để kêu gọi nhưng người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi”. Nước Thiên Chúa đã được rao giảng và Chúa Giêsu là người ban tặng Nước Thiên Chúa.

  1. Giải thích về Triều đại Nước Thiên Chúa trong lịch sử loài người.

Có một điều có lẽ dễ bị quên trong tâm thức của người Kitô hữu và đây là điều cần phải làm chứng cho thế giới hiện đại, đó là đức Tin Kitô giáo hướng tới một sự thành toàn của toàn thể vận mạng vũ trụ và nhân loại, chứ không phải chỉ là con đường giải thoát cá nhân mỗi người. Như thế có nghĩa là biến cố đức Giêsu phải được nhìn vừa như là Đấng Mê-si-a được hứa ban cho Dân riêng của Chúa, vừa phải được nhìn như là trung tâm mang lại ý nghĩa và thành toàn của tất cả lịch sử nhân loại và lịch sử vũ trụ.

Như thế, tất cả đức Tin Kitô giáo phải được nhìn trong chiều hướng Cánh Chung. Cánh chung không chỉ được nhìn như là Tứ Chung (chết, phán xét, Thiên đàng, hỏa ngục), để rồi người tín hữu giữ đạo trong cuộc sống hiện tại như một sự chịu vậy. Nhưng Cánh Chung là giai đoạn đã bắt đầu, khởi sự từ việc Đức Giêsu đến lần thứ I và thành toàn khi Chúa đến lần thứ II. Trong giai đoạn này, Nước Thiên Chúa đã có mặt, dù chỉ như “hạt cải”, như “nắm men nhỏ”, nhưng đủ sức biến đổi tất cả lịch sử nhân loại và lịch sử vũ trụ, cũng như đưa nhân loại và vũ trụ đến thời điểm thành toàn trong ngày Quang Lâm.

“Không ai lên Thiên đàng một mình”, nhưng cá nhân mỗi người chỉ được cứu độ và thành toàn khi hội nhập vào “con thuyền” Giáo hội và để cùng nhau làm cho Nước Thiên Chúa được lớn lên, lớn lên mãi để biến đổi bộ mặt của toàn thể vũ trụ và con người.

Người tín hữu đã quên ý nghĩa Cánh Chung cũng bởi vì người ta đã tách rời Đức Giêsu và Nước Thiên Chúa. Thực sự ai gắn bó với Đức Giêsu thì cũng phải tha thiết mong cho Nước Thiên Chúa được “trị đến”; và ai khao khát Nước Thiên Chúa cho nhân loại, cho toàn bộ thế giới, thì cũng chỉ có thể được hiện được khi gắn bó bản thân mình với Đức Giêsu.

Kitô giáo không thể nào tìm được ý nghĩa trọn vẹn bằng cách “xa lánh thế gian”, nhưng chỉ có thể bằng cách đảm nhận trách nhiệm đối với thế gian. Lời tuyên xưng đức Giêsu (là Đấng) Kitô có ý nghĩa sâu xa và trọn vẹn như vậy.

  1.  Giải thích về việc Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu khai mạc ở trần gian này.

 Chúng ta cần ghi nhận điều này là Nước Thiên Chúa tùy thuộc vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu, tùy thuộc vào vận mệnh cuộc đời của Người. Các thánh giáo phụ cũng như truyền thống của giáo hội đã nhấn mạnh điều này là Chính Thiên Chúa tạo dựng nhờ bởi Chúa Con và Thánh Thần, thì chính Thiên Chúa cũng cứu độ nhờ bởi Chúa Con và Thánh Thần. Chúa Giêsu đã thực hiện công trình cứu độ với sức mạnh của Thánh Thần. Chính Chúa Cha là Đấng đã sai người Con một của người đến nhập thể làm người để rao giảng và chịu chết cứu độ cho loài người chúng ta.

 Chúa Giêsu đã khai mạc và rao giảng Nước Thiên Chúa, nhưng người còn phải hoàn tất Nước Thiên Chúa này cho đến chiến thắng cuối cùng như lời người nói: Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người nhưng ngày thứ ba người sẽ sống lại. Chúa Giêsu nói đến cái chết cứu độ của người, cái chết mà người tận hiến vì tình yêu cho đến chết trên thập giá, nhưng đó là lúc mà người chiến thắng sự chết, và người thiết lập Nước Thiên Chúa cách vĩnh viễn, và ban tặng Nước Thiên Chúa cho những ai tin vào Người như lời người nói với các tông đồ sau Phục sinh, trước khi về trời: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, giảng dạy cho họ những gì thầy đã nói với anh em. Này thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Hay nói cách khác, nếu Chúa Giêsu không chịu chết tủi nhục và đẫm máu như thế, người không thể phục sinh vinh quang, người không thể được đón nhận về trời để ngự trong vinh quang của Chúa Cha đời đời, và vì thế người không thể thực hiện Nước Thiên Chúa như người đã rao giảng và cũng không thể ban tặng Nước Thiên Chúa cho chúng ta.

 Vì thế mà chính Chúa Giêsu, do bởi cuộc đời rao giảng và nhất là do bởi cái chết tận hiến vì tình yêu, tha thứ trọn vẹn trên thập giá mà người đã thực hiện hoàn tất Nước Thiên Chúa và ban tặng Nước Thiên Chúa cho những người tin như lời người đã khẳng định: “Khi các ngươi treo ta lên, các ngươi sẽ biết Ta là”, hay câu khác người nói “Khi các ngươi treo Ta lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta”.

  1.  Nước Thiên Chúa tùy thuộc vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu

Đức Giêsu là Trung Tâm của tất cả lịch sử vũ trụ và lịch sử nhân loại, thì chính biến cố “Tử Nạn – Phục Sinh” lại là Trung Tâm của biến cố Đức Giêsu.

Nền thần học cứu độ của Kitô giáo trước đây cắt nghĩa việc cứu độ của Đức Giêsu là một “bài toán đền thay”; nghĩa là Đức Giêsu lập công để hoặc “đền cho ma quỉ”, hoặc “đền cho sự công bằng của Chúa Cha”. Cách thức ấy là một cách nói ẩn dụ, được sử dụng ngay trong Kinh Thánh và được triển khai trong lịch sử Giáo hội… Tuy nhiên, từ khoảng giữa thế kỷ XX, các nhà Thần Học cho rằng mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ con người còn phong phú và rộng mở hơn nền thần học “đền thay” rất nhiều. Nói chung, người ta hiểu Thiên Chúa thực hiện ơn Cứu độ bằng cuộc “Tử Nạn – Phục Sinh” của đức Giêsu, đó là bằng chứng Thiên Chúa muốn đón nhận con người vào “gia đình” của Chúa, để được làm con của Thiên Chúa Cha, là Anh em và đồng thừa tự với Đức Giêsu (vì người ta chỉ có thể chết cho người thuộc về mình)…

Nói cách khác, vũ trụ phải được nhân hóa do con người biết sử dụng chúng để xây dựng tình yêu; rồi vũ trụ cũng như con người cần phải được “thánh hóa” trong cuộc “Tử nạn – Phục Sinh” của đức Giêsu Kitô. Hoặc nói cách khác, trong biến cố “Tử nạn – Phục Sinh”, con người được đón nhận một tình yêu lớn hơn mọi tình yêu, con người được mời gọi nhận ra nhau và cư xử với nhau trong một tình yêu thuộc về nhau, bằng đường lối phát xuất từ cuộc “Tử nạn – Phục Sinh”, nghĩa là dám sống theo “chiến lược” thua để thắng, Chết để Sống như chính Đức Giêsu đã thực hiện ơn cứu độ như vậy. Chính mức độ dám lãnh nhận và trao ban một tình yêu trọn vẹn như thế đang làm cho Nước Thiên Chúa hay Triều Đại Thiên Chúa được hướng tới thành toàn.

Top